Đại án Vạn Thịnh Phát: 23 cựu lãnh đạo bị khởi tố thuộc các cơ quan nào?
Lần đầu tiên cơ quan công an khởi tố tội Tham ô tài sản với chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước là Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.
23 lãnh đạo cấp vụ, cục... liên quan đến Vạn Thịnh Phát
Chiều 22/11, Ban Nội chính Trung ương tổ chức buổi làm việc với các cơ quan báo chí để thông báo kết quả cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại buổi thông báo, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết tiến độ điều tra xử lý các vụ án, vụ việc cơ bản đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo, trong đó có vụ vượt kế hoạch đề ra.
Trong đó, nhiều vụ án, vụ việc được khởi tố mới, mở rộng điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm kể cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, cả trong lĩnh vực được coi là bí mật, khép kín, cả các vụ, việc tồn đọng kéo dài. Cụ thể như vụ án FLC, AIC, vụ án Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.
Với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, ông Dũng nhấn mạnh là điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng để làm sân sau cho doanh nghiệp, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố 3 vụ án, 108 bị can, trong đó có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương.
Theo thông tin VnExpress, 23 lãnh đạo liên quan trong vụ Vạn Thịnh Phát gồm: 6 cán bộ Thanh tra Chính phủ; 12 cán bộ Ngân hàng Nhà nước; một vụ trưởng Văn phòng Chính phủ; một cán bộ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; một cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương; một chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng; một phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM.
Thường trực Ban chỉ đạo đánh giá, đại án Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB "là điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng làm sân sau cho doanh nghiệp, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát".
Theo Phó ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng, lần đầu tiên nhà chức trách đã khởi tố tội Tham ô tài sản với chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước là Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.
Số tiền tham ô "khủng" nhất từ trước đến giờ
Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan. Các bị can bị đề nghị truy tố về tội "Tham ô tài sản", "Vi phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "Nhận hối lộ", "Đưa hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Trong đó, được xác định là một trong những bị can giữ vai trò cao nhất, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố cùng lúc 3 tội danh: đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản.
Bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước), bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ".
Theo thông tin từ Thanh Niên Online, 304.000 tỉ đồng là số tiền bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tham ô của SCB, cũng là con số "khủng" nhất từ trước đến nay trong một vụ án hình sự liên quan đến tội danh trong nhóm tham nhũng, đặc biệt lại là tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước.
Cụ thể, kết luận điều tra nêu, tháng 1/2012, SCB được thành lập và đi vào hoạt động, trên cơ sở sáp nhập Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất. Kể từ thời điểm này, bà Lan và đồng phạm lập hồ sơ vay vốn khống để "rút ruột" SCB.
Khi đến hạn và không trả được nợ, bà Lan tiếp tục chỉ đạo tạo lập các khoản vay khống mới, khiến số tiền thiệt hại ngày càng lớn.
Hồ sơ xác định, từ tháng 2/2018 - 10/2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát "đạo diễn" lập khống 916 hồ sơ rút tiền từ SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng. Hành vi này còn gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỉ đồng.
Người trong cuộc bất ngờ tố cáo vụ hối lộ 5,2 triệu USD
Quá trình điều tra xác định, để bưng bít các sai phạm liên quan đến SCB, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo sếp ngân hàng này mang tiền đi hối lộ cho thành viên đoàn thanh tra, trong đó chi 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỷ đồng cho bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước), trưởng đoàn thanh tra.
Cụ thể, theo cơ quan điều tra, khoảng tháng 3/2018, ông Đinh Văn Thành và ông Võ Tấn Hoàng Văn ra Hà Nội và lên phòng làm việc của bà Nhàn ở trụ sở Cơ quan TTGSNH, số 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội đưa cho Nhàn là một túi quả Cherry và một túi đựng 200.000 USD. Nhận tiền, bà Nhàn mang về cất ở nhà.
Từ tháng 10/2018 đến tháng 12/2018 là giai đoạn dự thảo Kết luận thanh tra, xin ý kiến các Bộ ngành liên quan và sau đó ban hành Kết luận thanh tra tại Ngân hàng SCB, Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) đã cùng lái xe Nguyễn Nam Tuấn 3 lần mang các thùng xốp đựng tiền USD để đưa cho bà Nhàn.
Một lần thùng xốp đựng 1 triệu USD và 2 lần thùng xốp đựng 2 triệu USD. Tổng cộng 3 lần là 5 triệu USD. Kế luận điều tra xác định bà Nhàn đã nhận tiền từ Ngân hàng SCB thông qua Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc số tiền 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỷ đồng).
Sau khi nhận tiền, bà Nhàn bao che cho sai phạm của SCB và Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; chỉ đạo cấp dưới bỏ ra ngoài số liệu phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro… Bà Nhàn còn báo cáo không trung thực, không đầy đủ, sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm; tạo điều kiện giúp SCB tiếp tục tái cơ cấu.
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ Online cho biết, diễn biến điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát có bước ngoặt khi chính ông Võ Tấn Hoàng Văn là người tố cáo với cơ quan điều tra phi vụ hối lộ 5,2 triệu USD cho nữ cục trưởng Đỗ Thị Nhàn.
Theo kết luận điều tra, ông Văn đã chủ động khai báo chi tiết việc đưa tiền cho bà Nhàn và các cá nhân khác trong quá trình thanh tra, tố giác hành vi của bà Nhàn từ trước khi khởi tố vụ án, hợp tác tích cực với cơ quan điều tra để làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ và các sai phạm khác.
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và quy định pháp luật, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Văn về tội đưa hối lộ.
Khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 quy định người phạm tội nhận hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:- Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên;- Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.
Trang Anh
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn