Cần Lưu Ý Gì Khi “Dân Laptop” Là Đối Tượng Khách Hàng Của Quán Cafe?

Nếu đã kinh doanh cà phê thì chắc hẳn các chủ quán cũng không lạ gì với hình ảnh khách hàng “cắm rễ” cả ngày tại quán. Phần lớn mọi người chọn “cắm rễ” tại các quán cà phê thường cho các mục đích học tập, làm việc, họp nhóm,… cùng nhiều lý do cá nhân khác. Việc có đông khách đến quán là mong muốn của bao người chủ, thế nhưng nếu khách hàng ngồi lâu cả ngày thì lại khiến nhiều người trăn trở về chi phí vận hành và hiệu quả kinh doanh của mình.

Vậy, rốt cuộc việc khách hàng “cắm rễ” cả ngày tại quán sẽ đem lại thiệt hay lợi cho kinh doanh cà phê? Các chủ quán nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào để có cách xử lý tốt nhất? Hãy cùng F&B giải đáp trong bài viết sau nhé.

Quán cà phê thu hút đối tượng khách hàng là dân laptop

Trong những năm gần đây, “dân laptop” có xu hướng đi cà phê làm việc, học tập nhiều hơn, lâu dần đã biến mình thành đối tượng khách hàng mục tiêu được nhiều quán cà phê hướng đến. Xu hướng ra ngoài làm việc, học tập đã tạo nên cơ hội kinh doanh mới để các quán kiếm được nguồn doanh thu ổn định, thúc đẩy lợi nhuận, và xây dựng nền tảng khách hàng trung thành vững chắc. Như nhiều nhóm khách hàng khác, “dân laptop” cũng có nhu cầu và sở thích riêng của mình. Nếu bạn cũng đang nhắm đến nhóm khách hàng là “dân laptop” thì hãy cùng F&B Việt Nam theo dõi bài viết sau nhé.

1. Đặc điểm của đối tượng khách hàng là “dân laptop”


Ta có thể định nghĩa “dân laptop” là những người đang tìm kiếm một môi trường làm việc không bị ôm cứng trong không gian bốn bức tường nhàm chán của văn phòng, lớp học,… Mọi người mong muốn được mở rộng không gian làm việc, học tập của mình để có thể thoải mái tinh thần, nâng cao động lực làm việc và “nảy số” khám phá nhiều ý tưởng mới mẻ hơn. “Dân laptop” có thể là bất cứ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào như nhân viên văn phòng, học sinh sinh viên, hoặc freelancer – là những người làm việc tự do về thời gian, địa điểm và không bị gò bó với bất kỳ công ty nào.

Xu hướng ra ngoài cà phê để làm việc, học tập đang ngày càng trở nên phổ biến. Theo nhiều kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận số lượng “dân laptop” xuất hiện tại quán cà phê liên tục gia tăng qua từng năm. Thói quen này phổ biến nhiều nhất tại các thành phố lớn, còn các thành phố nhỏ hoặc tỉnh lẻ cũng đang dần phát triển và hình thành văn hóa làm việc tại các quán cà phê. Mọi người có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một người một máy tại các quán cà phê kèm theo nhiều vật dụng cần thiết để làm việc, học tập đặt xung quanh như dây sạc laptop, dây sạc điện thoại, giấy bút,… Đó là “signature” nhận biết của những “dân laptop”.

Không ít các thương hiệu cà phê nổi tiếng hiện nay cũng hướng đến đối tượng khách hàng là “dân laptop” như The Coffee House, Phúc Long, Three O’Clock, Thức,… Không chỉ đầu tư vào không gian thiết kế, bày trí nội thất có đầy đủ các dịch vụ tiện ích theo nhu cầu của “dân laptop”, các thương hiệu này còn sở hữu menu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng để nhóm khách này có thể ngồi “cắm rễ” cả ngày. Thậm chí, những quán cà phê như Three O’Clock, Thức,… còn mở cửa 24/24 để phục vụ tối đa công suất cho những khách hàng “chạy deadline” xuyên đêm.


Trái với nhiều suy nghĩ rằng “dân laptop” ngồi cả ngày sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của quán khi làm lãng phí đáng kể chi phí vận hành vào các dịch vụ tiện ích nhưng hệ số xoay bàn thấp, thì thực tế, “dân laptop” lại là một trong những nhóm khách hàng có thể đem lại nguồn doanh thu và lợi nhuận ổn định nhất. Đây sẽ là nhóm khách hàng tiềm năng cho bất cứ ai muốn kinh doanh cà phê.

2. Mô hình kinh doanh cà phê thích hợp cho “dân laptop”


Vì nhu cầu đến quán cà phê để học tập, làm việc, nên không phải mô hình kinh doanh cà phê nào cũng đều phù hợp với “dân laptop”. Những quán cà phê gắn liền với các từ khóa như “view đẹp”, “check in sống ảo”, “trending”,… đều sẽ bị loại ngay lập tức với “dân laptop”. Ngược lại, với những mô hình kinh doanh cà phê sau sẽ luôn được “dân laptop” ưu tiên lựa chọn hàng đầu:

    Cà phê workplace


Mô hình này có thể được xem là “thiên đường” cho những ai có thói quen ra cà phê làm việc, học tập. Cà phê workplace là sự kết hợp giữa hoạt động kinh doanh cà phê cùng với không gian làm việc mở được trang bị đầy đủ các tiện ích văn phòng cơ bản. Khách hàng đến đây sẽ cùng nhau sử dụng không gian chung nhưng vẫn giữ được sự tập trung nhất định và tránh bị làm phiền hoặc phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài. Đến với cà phê workplace, mọi người có thể đổi mới không gian làm việc của mình, qua đó thúc đẩy năng suất làm việc và khơi dậy nguồn cảm hứng mới.

    Cà phê workshop


Có phần tương tự như cà phê workplace khi cũng được thiết kế từ sự kết hợp giữa kinh doanh cà phê và không gian làm việc mở nhưng sẽ được đầu tư quy mô hơn. Nếu như cà phê workplace chỉ dừng lại ở việc trang bị các tiện ích văn phòng cơ bản như wifi, ổ điện, máy lạnh, ánh sáng tốt, hay bàn ghế thoải mái, thì với cà phê workshop còn hỗ trợ máy chiếu, máy in văn phòng,… Một số quán cà phê workshop còn có không gian riêng dành cho những cuộc gặp đông người hoặc tổ chức sự kiện.

    Cà phê sách


Như đúng tên gọi của mình, cà phê sách là một mô hình dịch vụ mở, vừa đảm bảo yếu tố kinh doanh, vừa đảm bảo việc phục vụ sách báo cho bạn đọc. Bản thân cà phê sách cũng có thể được xem là thư viện phục vụ đồ uống. Mọi người đến với cà phê sách để tìm kiếm sự bình yên, riêng tư và có thể thoải mái thả hồn vào những trang sách. Tuy không hẳn là một nơi được thiết kế để làm việc, nhưng vì tính chất không gian yên tĩnh và cũng được trang bị những tiện ích cần thiết như wifi, ổ điện,… nên cà phê sách cũng là lựa chọn được nhiều “dân laptop” tìm đến.

3. Những lưu ý khi kinh doanh cà phê cho “dân laptop”


    3.1. Tìm kiếm địa điểm thích hợp với đối tượng khách hàng


Nếu đối tượng khách hàng là “dân laptop” thì bạn không thể chạy theo những mặt bằng tại khu vực tập trung nhiều điểm vui chơi như công viên, trung tâm thương mại, phố đi bộ hay chợ đêm,… Thay vào đó, các khu vực gần văn phòng, trường học, khu dân cư và nhiều tòa nhà sẽ thích hợp để mở quán cà phê dành cho “dân laptop” nhất. Bởi vốn dĩ, mọi người đến quán cà phê làm việc, học tập cũng chỉ vì muốn thay đổi không gian xung quanh mình và thúc đẩy năng suất tốt hơn. Do vậy, gần những khu vực này sẽ giúp khách hàng dễ tiếp cận, thuận tiện di chuyển mà lại đảm bảo hạn chế ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài.

Bên cạnh đó, vị trí địa điểm cũng phải bao gồm cả diện tích mặt bằng tương đối rộng rãi. Một trong những lý do mọi người ngày càng có xu hướng ra ngoài làm việc cũng là vì quán cà phê có không gian rộng hơn, thoáng đãng và ít cảm giác tù túng, giới hạn như ở văn phòng hay tại nhà. Ngoài ra, cũng nhờ có không gian rộng rãi mà bàn ghế cũng được sắp đặt có khoảng cách nhất định, nhờ đó mọi người dù làm việc trong không gian chung nhưng vẫn giữ được sự riêng tư của mình, không ai làm phiền đến ai.

    3.2. Thiết kế không gian và nội thất cho quán cà phê


Đây là một trong những điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa quán cà phê dành cho “dân laptop” với các quán cà phê để mọi người đến vui chơi, thư giãn. Đối với thiết kế không gian quán cà phê cho mục đích học tập và làm việc, các chú quán sẽ phải chú ý đến một số yếu tố sau:

Wifi: Không cần phải bàn cãi gì về tầm quan trọng của wifi trong cuộc sống ngày này, thậm chí khi đến bất kỳ địa điểm nào, điều đầu tiên mọi người quan tâm chính là kết nối wifi. Tuy nhiên, lắp đặt wifi thôi vẫn chưa đủ, bạn còn phải lựa chọn băng thông phù hợp với quy mô quán của mình. Theo đó, băng thông càng lớn thì tương ứng tốc độ truyền dữ liệu sẽ càng nhanh. Khi lắp đặt wifi cho quán cà phê, bạn phải xem xét đến quy mô, không gian và diện tích quán để đảm bảo cung cấp đủ băng thông cho khách sử dụng wifi một cách ổn định nhất. Nhất là với “dân laptop” làm việc từ xa thì wifi sẽ là yếu tố hàng đầu quyết định họ có quay lại vào lần sau hay không.

Ổ điện: Hầu hết khách hàng đến quán cà phê làm việc, học tập đều cần sử dụng ổ điện để sạc pin laptop, điện thoại. Việc lắp đặt ổ điện giới hạn hoặc quá xa chỗ ngồi có thể gây ra nhiều bất tiện cho khách hàng. Nhìn vào những quán cà phê cũng hướng đến đối tượng khách hàng là “dân laptop” như The Coffee House hay Phúc Long đều bố trí rất nhiều ổ điện xung quanh chỗ ngồi của khách hàng, gần như mỗi bàn đều sẽ có ổ cắm riêng. Đó là lý do vì sao mà “dân laptop” thường rất thích đến những quán cà phê như thế này.

Kích thước bàn ghế: Thông thường, bàn ghế tại quán cà phê sẽ thấp hơn bàn làm việc, kích thước mặt bàn cũng nhỏ hơn đáng kể. Tuy nhiên, khi kinh doanh cà phê dành cho “dân laptop” thì các chủ quán phải chú trọng chọn loại bàn cao, có khoảng cách vừa đủ với ghế ngồi và mặt bàn đủ lớn để đặt ít nhất một chiếc laptop, một con chuột, một chiếc điện thoại, một cuốn sổ tay khổ nhỏ, và một cốc nước. Như vậy sẽ giúp bạn đem đến cho khách hàng điều kiện làm việc tốt nhất ngay tại quán cà phê của mình.

Âm thanh và ánh sáng: Tuy “dân laptop” cần sự yên tĩnh để có thể tập trung làm việc, thế nhưng một chút nhạc du dương, nhẹ nhàng sẽ tạo nên cảm giác dễ chịu, thư thả giúp mọi người thoải mái “chạy deadline”. Bên cạnh đó, quán cà phê cũng cần được thiết kế ánh sáng phù hợp, rõ ràng, chủ yếu là ánh sáng trắng và có thể kết hợp với ánh sáng vàng để tạo không gian ấm cúng cho không gian.

    3.3. Thiết kế menu dành riêng cho “dân laptop”


Nếu như những đối tượng khách hàng khác thích đồ uống “trendy”, được bày trí bắt mắt cầu kỳ để chụp hình check in, thì với “dân laptop” lại chỉ cần những món thức uống năng lượng, giúp giữ tỉnh táo hiệu quả trong thời gian dài và có thể ngồi nhâm nhi lâu như trà và cà phê. Đây là hai lựa chọn thức uống có hàm lượng caffeine cao, giúp cơ thể tỉnh táo và đầy năng lượng, cũng như tăng hiệu suất hoạt động. Để đa dạng menu của mình thì bạn có thể sáng tạo từ hai lựa chọn thức uống này như dòng cà phê có bạc xỉu, cappuccino, latte,… dòng trà có trà xanh, trà đào, trà oolong, trà sữa đậm vị,… Ngoài ra, sinh tố và nước ép hoa quả cũng là một ý tưởng không tệ.

Không chỉ có thức uống, “dân laptop” cũng có nhu cầu ăn nhẹ để nạp lại năng lượng cho mình sau một thời gian dài tập trung làm việc. Một số món ăn thích hợp để thêm vào menu như bánh mì, bánh mì que, bánh croissant, cùng một số món bánh ngọt như cookie, tiramisu,… Chủ quán cũng có thể tận dụng menu để tạo cơ hội bán hàng gia tăng cho quán bằng các combo thức uống + món ăn.

Nói về khách hàng trung thành thì có lẽ “dân laptop” sẽ là một trong những đối tượng khách hàng trung thành nhất. Một khi đã hài lòng với chất lượng trải nghiệm ở quán nào thì họ có thể quay lại hàng tháng, hàng tuần, thậm chí là hàng ngày, giúp quán có được nguồn doanh thu ổn định. Nếu bạn cũng đang muốn mở một quán cà phê theo mô hình hướng đến “dân laptop”, hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm về đối tượng khách hàng của mình và có cách tiếp cận phù hợp nhất.

Theo Kiot AI