Có Nên Chạy Theo Những “Lời Đường Mật” Về Trend Kinh Doanh Nhượng Quyền F&B?

Những năm gần đây hình thức hợp tác kinh doanh nhượng quyền vô cùng nở rộ tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực F&B. Đây cũng là mô hình kinh doanh đầy tiềm năng không chỉ với những thương hiệu mong muốn mở rộng quy mô của mình, mà còn với những ai muốn thử sức trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống này. Tuy nhiên, kinh doanh nhượng quyền sở hữu nhiều lợi thế, nhưng cũng tồn tại lắm cạm bẫy cho những “con mồi” nhẹ dạ cả tin, chỉ biết chạy theo số đông và thiếu kinh nghiệm, kiến thức. Chính vì thế, bài viết sau sẽ giúp các nhà đầu tư cân nhắc cẩn trọng hơn trước khi quyết định hợp tác kinh doanh nhượng quyền.

1. Tìm hiểu về kinh doanh nhượng quyền F&B?


    1.1. Kinh doanh nhượng quyền F&B là gì?


Kinh doanh nhượng quyền là mô hình cho phép một cá nhân hoặc tổ chức được sử dụng danh tiếng, sản phẩm, dịch vụ của một thương hiệu cụ thể để kinh doanh trong một khoảng thời gian và địa điểm nhất định.

Theo đó, phía thương hiệu sẽ được quyền giám sát hoạt động kinh doanh, quy định về nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, và hỗ trợ bên nhận nhượng quyền về các chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh. Đổi lại, bên nhận nhượng quyền cũng phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt theo các điều khoản đã ký kết, thanh toán các khoản chi phí bắt buộc và được quyền sử dụng danh tiếng, sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu để kinh doanh, cũng như nhận được sự hỗ trợ của thương hiệu trong suốt quá trình hoạt động.

Đối với lĩnh vực F&B, kinh doanh nhượng quyền phổ biến trong nhiều mảng khác nhau như kinh doanh nhà hàng, kinh doanh cà phê, kinh thức ăn nhanh,… Các bên nhận nhượng quyền sẽ được thương hiệu chia sẻ toàn bộ công thức chế biến, pha chế, nguyên vật liệu, quy trình vận hành, cũng như tham gia vào các khóa đào tạo quản lý để đảm bảo hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả tốt nhất.
Kinh doanh nhượng quyền đang vô cùng nở rộ tại thị trường F&B Việt Nam (Nguồn: Internet)
  

    1.2. Các mô hình kinh doanh nhượng quyền F&B


Nhượng quyền kinh doanh toàn diện (full business format franchise): Đây là hình thức nhượng quyền “trọn gói”, toàn bộ định chuẩn mô hình từ hệ thống kinh doanh, bí quyết công nghệ sản xuất/kinh doanh, hệ thống thương hiệu, và sản phẩm/dịch vụ đều sẽ được phía thương hiệu chuyển giao đến bên nhận nhượng quyền. Bên nhận nhượng quyền không được phép thay đổi bất kỳ yếu tố nào trong mô hình khi chưa có sự đồng ý của phía thương hiệu. Điển hình như Highlands Coffee đang áp dụng mô hình hợp tác nhượng quyền này.

Nhượng quyền kinh doanh không toàn diện (non-business format franchise): Về cơ bản, các nguyên tắc quản lý, thành tố được nhượng quyền không toàn diện “nới lỏng” hơn so với nhượng quyền toàn diện. Đa số các hợp đồng nhượng quyền không toàn diện thường chỉ nhượng quyền một mảng nào đó trong hệ thống kinh doanh của mình như nhượng quyền phân phối sản phẩm (Trung Nguyên Legend đang áp dụng), nhượng quyền công thức sản xuất và tiếp thị (Coca Cola là thương hiệu điển hình cho mô hình này), hoặc cấp phép sử dụng thương hiệu (Pepsi cấp phép cho các hãng quần áo in logo của mình),…

Nhượng quyền tham gia quản lý (management franchise): Mô hình này thường được áp dụng tại các thương hiệu lớn, yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ, và khá phổ biến trong ngành kinh doanh khách sạn. Đối với lĩnh vực F&B thì có thể kể đến KFC hoặc Passio hiện đang áp dụng mô hình này, cho phép đối tác nhận nhượng quyền nhưng phía nhượng quyền sẽ tham gia quản lý nhằm đảm bảo đồng bộ về chất lượng sản phẩm và dịch vụ trong tất cả chi nhánh mang thương hiệu của họ.

Nhượng quyền kinh doanh tham gia đầu tư vốn (equity franchise): Mô hình này được sinh ra từ nhu cầu của phía thương hiệu muốn tham gia sâu hơn vào hoạt động kinh doanh của bên nhận nhượng quyền. Theo đó, phía thương hiệu sẽ đầu tư một phần vốn vào cơ sở nhượng quyền dưới dạng liên doanh.
Có 4 mô hình hợp tác kinh doanh nhượng quyền phổ biến (Nguồn: Internet)

2. Tình hình kinh doanh nhượng quyền F&B tại Việt Nam


Khi nhắc đến thị trường F&B Việt Nam hẳn sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến mô hình kinh doanh nhượng quyền. Là một trong những “cánh tay” đắc lực đưa ngành kinh doanh ăn uống và ẩm thực Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, kinh doanh nhượng quyền F&B đang được xem là mô hình đầy tiềm năng, được đánh giá cao về khả năng phát triển cho thương hiệu nhượng quyền lẫn các đối tác nhận nhượng quyền.

Bắt đầu từ năm 2007, Việt Nam cho phép các doanh nghiệp nước ngoài nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam. Nhờ đó, rất nhiều “ông lớn” F&B trên thế giới đã thông qua tấm “passport thông hành” nhượng quyền để thâm nhập vào thị trường Việt Nam, có thể kể đến như Starbucks, McDonald’s, KFC, Lotteria, Baskin Robbins, Tous Les Jours, Pizza Hut,…. Đặc biệt, với xu hướng trà sữa đang vô cùng rầm rộ như hiện nay là tiền đề cho sự xuất hiện của loạt thương hiệu trà sữa nhượng quyền tại Việt Nam như Gong Cha, The Alley, Mixue, Bobapop, Yi He Tang, KOI, TocoToco, R&B,…

Không chỉ là sân chơi của các thương hiệu quốc tế, không ít các thương hiệu Việt cũng đã và đang tự tin xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng cho mình theo hình thức kinh doanh nhượng quyền. Ngành F&B trong nước ghi nhận sự phát triển vượt bậc của nhiều thương hiệu Việt như Trung Nguyên Legend, Highlands Coffee, Guta Café, Passio Coffee, Cộng Cà Phê, Vua Cua, Phở 24, Mì Cay Sasin,…

Theo Bộ Công Thương thống kê, trong vòng 10 năm trở lại đây, hơn 50% thương vụ nhượng quyền được ký kết tại Việt Nam đều thuộc lĩnh vực F&B. Điều này cho thấy hoạt động hợp tác kinh doanh nhượng quyền F&B tại Việt Nam đang diễn ra hết sức sôi động và hứa hẹn vẫn sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai.
Kinh doanh nhượng quyền F&B tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục bùng nổ trong tương lai (Nguồn: Internet)
 

3. Lợi thế của hợp tác kinh doanh nhượng quyền F&B


Có thể thấy, kinh doanh nhượng quyền F&B đang rất được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam, và cũng không phải ngẫu nhiên mà hình thức này lại ngày càng phổ biến đến mức trở thành “trend” như thế. Hợp tác nhượng quyền không chỉ là con đường mở rộng thương hiệu, mà còn là cơ hội biến những mong muốn khởi nghiệp trong ngành F&B trở thành hiện thực. Tất cả đều nhờ vào những lợi thế sau:

Không tốn nguồn lực xây dựng thương hiệu: Ưu điểm nổi bật của kinh doanh nhượng quyền chính là đối tác nhận nhượng quyền sẽ được phép sử dụng danh tiếng, sản phẩm và dịch vụ sẵn có của thương hiệu để bắt đầu kinh doanh và ngay lập tức được khách hàng đón nhận mà không cần tốn nguồn lực để xây dựng từ đầu. Lợi thế này giúp bên nhận nhượng quyền có thể tiết kiệm được công sức, thời gian, cũng như tiền bạc vào việc xây dựng độ nhận diện thương hiệu để tập trung nhiều hơn cho các hạng mục khác trong hoạt động kinh doanh.

Nguồn doanh thu ổn định: Sở hữu độ nhận diện thương hiệu và tệp khách hàng sẵn có từ thương hiệu sẽ giúp bên nhận nhượng quyền nghiễm nhiên có thể đảm bảo nguồn doanh thu ổn định ngay khi khai trương. Nhờ đó, cho phép các đối tác nhận nhượng quyền rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư và kiếm được lợi nhuận nhanh hơn so với các thương hiệu khởi nghiệp hoạt động độc lập.
Kinh doanh nhượng quyền đem lại nhiều cơ hội cho cả thương hiệu lẫn đối tác đầu tư (Nguồn: Internet)
 
Hiệu suất hoạt động cao: Nếu phát triển thương hiệu độc lập, bạn sẽ phải tự mình hoàn thiện mọi thứ từ những bước đầu tiên như chọn lĩnh vực kinh doanh, sáng tạo menu, thiết kế phong cách kiến trúc, cho đến xây dựng quy trình vận hành, đào tạo quản lý,… Thế nhưng ngược lại, khi hợp tác kinh doanh nhượng quyền, đối tác nhận nhượng quyền sẽ được thương hiệu chuyển giao toàn bộ định chuẩn mô hình kinh doanh giúp đảm bảo kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Tỷ lệ thất bại thấp: Khi cho phép nhượng quyền thì hầu hết đều là những thương hiệu đã đạt được thành công nhất định trên thị trường, có độ nhận diện thương hiệu phủ rộng và tệp khách hàng ổn định. Tất cả những điều này cho phép bạn có thể tự tin vào tiềm năng kinh doanh của mình, cũng như không cần phải lo lắng quá nhiều về tỷ lệ thất bại khi con số này có thể được giảm xuống mức gần như không có.

4. Có nên chạy theo trend kinh doanh nhượng quyền F&B không?


Tuy rằng kinh doanh nhượng quyền sở hữu rất nhiều tiềm năng và được trông đợi sẽ càng phát triển thêm trong tương lai, thế nhưng có lợi thế thì cũng sẽ có hạn chế. Nhất là khi ngành F&B Việt Nam đang dần bị “lờn” khi có quá nhiều thương hiệu cùng tham gia vào mô hình nhượng quyền này, khiến thị trường dần trở nên chật chội, thoái trào, thậm chí là tự triệt hạ cơ hội kinh doanh của đối thủ lẫn chính mình.

Không quá khó để nhìn thấy hàng loạt các cửa hàng nhượng quyền xuất hiện sát ngay cạnh nhau trên mỗi cung đường. Việc mở ra ồ ạt và dày đặc như vậy sẽ thu hẹp phạm vi kinh doanh của các cửa hàng nhượng quyền, vừa không thể tăng sức cạnh tranh của mình, mà ngược lại còn khiến lượng khách bị pha loãng và tự “giẫm đạp” lên thị trường của nhau. Lâu dần, tình hình này sẽ dẫn đến hoạt động kinh doanh không đạt được hiệu quả như kỳ vọng, dưới mức hòa vốn và cuối cùng là phải chịu cảnh đóng cửa, trả mặt bằng. Những cửa hàng nào có sức chịu đựng tốt hơn sẽ có nhiều khả năng sống sót hơn sau thời gian tự sàng lọc lẫn nhau.

Bên cạnh đó, khi một thương hiệu đi quá nhanh bằng mô hình kinh doanh nhượng quyền thì mọi thứ sẽ trở nên công nghiệp hơn, nhân rộng nhanh khiến thương hiệu mất dần sự tinh tế trong trải nghiệm chất lượng của mình. Những thương hiệu không tỉnh táo trong phân tích thị trường sẽ dễ bị cuốn theo các kiểu cạnh tranh bằng “đu trend”, và người thiệt thòi hơn hết không ai khác chính là những người mua nhượng quyền.
Nhượng quyền rầm rộ theo trend khiến các thương hiệu tự “giẫm đạp” lên thị trường của nhau (Nguồn: Internet)
 
Điển hình như một thương hiệu trà sữa gần đây đã thay đổi định vị của mình khi bổ sung bán kem 8.000 đồng và trà sữa 25.000 đồng để cạnh tranh với một thương hiệu nổi tiếng kinh doanh kem và trà sữa giá rẻ trong giới nhượng quyền. Việc “đu trend” bất chấp khiến các thương hiệu đang tự đánh mất nét riêng của mình rồi vô tình tự hòa tan trong thị trường. Về đường dài, các thương hiệu nhượng quyền công nghiệp sẽ dần trở nên hụt hơi, giảm sức cạnh tranh vì chỉ loay hoay sao chép lẫn nhau, thay vì nỗ lực nâng cấp để vượt trội hơn đối thủ.

Cuối cùng, trong xu thế nhượng quyền đang nở rộ này vẫn tồn tại tỷ lệ thành công nhất định cho những thương hiệu nhượng quyền “sơ khai”, tức những thương hiệu đầu tiên mở rộng bằng mô hình nhượng quyền khi thị trường vẫn còn tiềm năng và rộng lớn. Chính sự thành công của những thương hiệu tiên phong này mới tạo nên “trend” nhượng quyền như hiện tại. Đặc biệt, họ sẽ không chủ động “câu kéo” người mua nhượng quyền, hay nhượng quyền bất chấp năng lực của đối tác, giúp thương hiệu vẫn giữ được sự độc tôn và giá trị của mình trên thị trường. Những người chạy theo sau khi thị trường đã rầm rộ thì tỷ lệ thành công cũng giảm dần theo độ bao phủ của thương hiệu đó.

Tỉnh táo và cẩn trọng sẽ là hai từ khóa chính giúp các nhà đầu tư có được quyết định đúng đắn trước khi lựa chọn hợp tác với bất kỳ thương hiệu nhượng quyền nào.
Các nhà đầu tư cần tỉnh táo và cẩn trọng khi lựa chọn thương hiệu hợp tác nhượng quyền (Nguồn: Internet)

“Mật ngọt” thì “chết ruồi”, chạy theo trend một cách mù quáng, thiếu kiến thức và kinh nghiệm có thể dẫn đến thất bại nặng nề. Có thể nói, quyết định hợp tác kinh doanh nhượng quyền một thương hiệu giống như một canh bạc, đòi hỏi người chơi phải hiểu rõ luật chơi và thủ thuật chơi sao cho đảm bảo tỷ lệ thắng cao nhất. Chính vì thế, trước khi bước chân vào nhượng quyền, hãy tìm hiểu thật kỹ về thương hiệu, tìm hiểu nhu cầu thị trường và phân tích tiềm năng kinh doanh để đạt được thành công như mong muốn.

Uyên Vũ
Theo Fnbvietnam